“Mọi sự rồi sẽ qua đi”

“Mọi sự rồi sẽ qua đi”

Có ai đó đã viết rằng:

“Mọi thứ rồi cũng qua
Cái loa rồi cũng hỏng
Nước sôi rồi hết nóng
Đắm say rồi thờ ơ


Thờ ơ rồi cũng qua
Để bắt đầu say đắm
Nước lại đun để tắm
Loa này thay loa kia"

Nhớ ngày nào mình còn rất nhỏ bé, thế mà nay đã đi qua nửa đời người. Nhìn những người đi trước họ đã và đang lần lượt từ bỏ dương gian để về cõi trăm năm cuối trời. Nhìn vào biết bao người nổi danh, nổi tiếng thế mà nay cũng vào cõi vĩnh hằng, vì:

“Trăm năm còn cò gi đâu
Chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì”

Ôi cuộc đời thật phù du như hoa sớm nở rồi tàn!

Có một câu chuyện kể rằng: có một ông vua muốn làm bẽ mặt một vị cận thần của mình vốn nổi tiếng thông thái và tài trí. Ông bảo vị quan nhân lễ hội này hãy mang về một vật mà người đang vui nhìn vào sẽ buồn và người đang buồn nhìn vào chắc chắn sẽ vui. Thời gian cận kề, vị quan buồn bã vì chưa tìm được một món vật như thế, ông liền quyết định đi đến nơi nghèo nhất kinh thành, khi đi ngang qua một lão già bán hàng rong, ông dừng lại và hỏi lão có biết một vật như thế không, ông lão bèn đưa cho vị quan ấy một cái vòng.

Vị quan nhìn vào thấy một dòng chữ liền mỉm cười vui sướng. Lễ hội đến, nhà vua hào hứng chắc mẩm rằng tên quan kia sẽ bị một vố bẽ mặc ra trò. Thế nhưng vị quan thông thái ấy ung dung bước vào, cầm theo cái vòng đưa cho nhà vua trước sự ngơ ngác của hết thảy mọi người. Nhà vua hồ nghi, cầm cái vòng lên, nụ cười trên môi, sự hào hứng lập tức tan biến. Thật sự trên đời có tồn tại thứ ấy. Thứ mà người đang vui nhìn vào sẽ buồn và người đang buồn nhìn vào sẽ vui. Chiếc vòng với dòng chữ “Mọi việc rồi sẽ qua.”

Mọi sự rồi sẽ qua đi. Nghe qua sao bẽ bàng! Thế mà nó lại là một sự thật, một chân lý về cuộc sống. Sum họp rồi tan. Như hơi nước kết thành mây rồi cũng rã tan thành cơn mưa giông hòa biến trong không gian. Như cánh hoa rực rỡ mấy rồi cũng khô héo tàn lụi. Cuộc đời con người rồi cũng sẽ qua đi. Không ai ở mãi dương gian. Có sinh, có tử. Có hiện hữu có tan đi. Cho dẫu con người đã cất công tìm kiếm cây thuốc trường sinh nhưng cho đến hôm nay vẫn hão huyền, vô vọng!

Nếu cuộc đời này rồi sẽ qua đi, vậy ta sống ở đời này để làm gì?

Chắc chắn Thiên Chúa không dựng chúng ta hiện hữu một cách vô tình như cây cỏ. Thiên Chúa càng không dựng chúng ta nên một vật sớm nở rồi tàn như vạn vật. Ngài dựng chúng ta giống hình ảnh Ngài. Ngài cho chúng ta tham dự vào sự sống vĩnh hằng như Ngài. Thế nên, cuộc sống của chúng ta phải là cuộc sống tìm kiếm Ngài và ở trong Ngài. Đừng đánh mất Ngài trong cuộc sống. Đừng quay lưng lại với Ngài chỉ vì những vinh hoa phú quý trần gian.

Nhìn vào những người đang nằm dưới các nấm mồ cho chúng ta hiểu rằng: “mọi sự rồi sẽ qua đi”, nhưng sự qua đi này lại dẫn chúng ta về với Đấng tạo thành, về với Đấng trường sinh bất tử, về với cội nguồn sự sống của chúng ta. Thế nên, điều quan yếu là chúng ta phải tìm kiếm Ngài trong cuộc đời. Đừng tìm kiếm những danh lợi thú mau qua mà đánh mất Ngài. Hãy ở lại trong Ngài nơi cuộc sống dương gian để Ngài cho chúng ta ở với Ngài nơi thiên quốc sau cuộc sống tạm bợ nơi dương gian.

Nhưng đáng tiếc có rất nhiều người đã cố tình đánh mất Ngài để bám vào đồng tiền, vào danh vọng, vào lạc thú. Họ đã vì tiền mà bỏ đạo. Vì danh vọng mà quay lưng lại với Đấng tạo thành. Vì lạc thú mà phản bội với tình yêu của Ngài. Họ quên rằng “mọi sự rồi cũng qua đi” nên vẫn cố bám vào những cái phù du mau qua. Danh lợi thú chỉ như áng mây bay qua cuộc đời, rồi tan biến chỉ còn lại mình phải đối diện với Đấng tạo thành.

Hôm nay ngày lễ các đẳng linh hồn, là dịp để chúng ta nghĩ về thân phận mỏng dòn của mình để sống cho có ý nghĩa. Đồng thời cũng là dịp để chúng ta làm một nghĩa cử cao đẹp cho những người đã khuất. Nghĩa cử mà họ đang cần chúng ta không phải là mâm cao cỗ đầy mà là những lời kinh nguyện, những hy sinh, những việc bác ái mà khi còn sống họ đã thiếu sót với Thiên Chúa và với tha nhân. Hôm nay họ đã bị phiến đá ngàn năm đè bẹp khiến họ không thể làm điều mà họ muốn làm. Họ cần đến chúng ta hãy vì yêu thương mà làm thay cho họ. Hãy cứu độ họ bằng hiến tế mà chúng ta tham dự hằng ngày. Vì:

- Cuộc sống bon chen họ đã quên thờ phượng Chúa thì nay nhờ thánh lễ chuộc tội của Chúa Giê-su, chúng ta xin đền bù những thiếu sót của họ.

- Cuộc sống mưu sinh mà họ đã từng lỗi công bình bác ái với tha nhân, thì nay chúng ta hãy làm một việc bác ái nào đó để đền bù lỗi lầm cho họ.

- Những cuốn hút của danh lợi thú đã khiến họ lao vào vòng xoáy của tiền, tình, quyền mà thiếu sót bổn phận với gia đình, thì nay chúng ta dâng hy sinh việc lành phúc đức để đền bù cho họ.

Mỗi người chúng ta đều có những người thân đã khuất. Mỗi người chúng ta đều cảm thấy những người thân của chúng ta đang cần chúng ta cứu vớt họ. Xin cho chúng ta biết dùng tháng các linh hồn này để cứu độ các linh hồn. Ước gì đây là dịp để chúng ta báo hiếu ông bà tổ tiên và quảng đại với anh em qua cầu nguyện, dâng lễ và thực thi bác ái cho các đẳng linh hồn. Amen

Lễ chiều nghĩa trang: Xin nhớ đến tôi

Nếu giả như chúng ta phải ra đi vội vàng, tức tưởi, chúng ta sẽ trăn trối lại điều gì? Điều gì khiến chúng ta quan tâm nếu phải dứt bỏ cuộc đời một cách vội vàng?

Trong tai nạn máy bay boeing 747 của hãng hàng không Nhật bản vào ngày 12-8-1985 đã khiến 520 người thiệt mạng. Điều đáng nói là phi hành đoàn cũng như hành khách trên chiếc Boeing 747 này biết họ gặp nạn, máy bay của họ không thể điều khiển được và họ còn một ít thời giờ trước khi chết, nên mấy người đã lấy viết ghi lại các lời trăn trối của họ.

Trong số này có ông Kawaguchi đã viết được vài điều trăn trở trên cuốn lịch nhỏ như cuốn sổ bỏ túi. Ông viết cho vợ: Thôi, vĩnh biệt! Em hãy thay anh lo lắng săn sóc con cái.

Ông khuyên 3 người con, hai gái một trai rằng: Các con phải hòa thuận với nhau, phải cố gắng làm việc và giúp đỡ mẹ.

Riêng với cậu con trai út tên Tsuyoshi, ông viết: Cha đặt nhiều hy vọng nơi con.

Người thứ hai là kiến trúc sư Kazuo Yoshimura chỉ viết được mấy chữ trên một tấm giấy: Tôi muốn cả gia đình được mạnh khỏe.

Người thứ ba là một nhà kinh doanh tên là Masakazu Tamguchi đã viết cho tỉnh Osaka, cho thành phố Min và cho vợ tên là Machiko như sau: Xin nuôi nấng, săn sóc mấy đứa con tôi.

Xem điều mà con người quan tâm trước khi chết chính là lo cho người còn sống. Có thể là cha mẹ, là vợ con, là đồng nghiệp, . . . những con người mà họ đang có bổn phận che chở giữ gìn mà nay cái chết đến, họ không còn khả năng bảo vệ người thân yêu. Họ mong rằng những người thân của họ vẫn tiếp tục sống, vẫn tiếp tục được yêu thương, được hạnh phúc. Người ta bảo rằng có người đã không thể nhắm mắt vì họ còn có quá nhiều bổn phận với gia đình và xã hội, và chắc chắn họ không thể nhắm mắt vì còn lo lắng nhiều cho người thân.

Hôm nay chúng ta quây quần bên nghĩa trang, nơi những người thân đang an nghĩ. Họ là người đã từng có trách nhiệm với chúng ta. Họ là người đã từng yêu thương chúng ta. Nhưng họ cũng là người đã từng mang đến cho chúng ta vui buồn, hạnh phúc và khổ đau. Dầu khi sống họ đối xử với chúng ta như thế nào thì chắc chắn một điều, trước khi nhắm mắt xuôi tay điều họ quan tâm vẫn là lo lắng cho hạnh phúc của chúng ta. Họ vẫn mong chúng ta được bình yên. Họ vẫn không yên lòng ra đi vì chúng ta vẫn còn đang ở lại.

Họ có thể là một người người cha, người mẹ đã từng vỗ về chúng ta, từng ao ước cho chúng ta được sống hạnh phúc. Họ đã từng chung nỗi niềm lo lắng cho con cái cái ăn, cái học, và cả niềm vui trong cuộc sống. Họ dám đánh đổi cả mạng sống mình cho con cái niềm vui.

Họ có thể là một người bạn tri kỷ hay trăm năm đã từng cùng với chúng ta chia vui sẻ buồn. Họ cũng từng nuôi ước vọng đi với chúng ta đến tận chân trời để che chở, bảo vệ chúng ta. Họ đã hiến dâng cuộc đời mình cho hạnh phúc của chúng ta.

Họ có thể là cha mẹ, anh em vì yếu đuối mà sa vào tội lỗi nên bê tha bổn phận, gây phiền toái cho chúng ta, nhưng có lẽ họ vẫn từng ăn năn sám hối vì đã phụ bạc với chúng ta.

Dù là người đã làm chúng ta vui hay buồn thì hôm nay họ vẫn đang cần chúng ta “xin hãy nhớ đến họ”. Nhớ đến họ như xưa khi còn sống chúng ta nhớ đến nhau: có cái ăn, có niềm vui, có nỗi buồn cũng chia sẻ cho nhau, thì hôm nay họ càng cần chúng ta nhớ đến họ để giúp họ vượt qua biển lửa luyện tội để bước vào thiên đàng. Nhớ đến họ để van xin lòng thương xót của Chúa cứu họ khỏi nơi tối tăm luyện tội mà đưa vào ánh sáng tình thương.

Tháng 11 thật quý giá. Quý giá vì nó giúp chúng ta nhớ đến nhau. Nhớ đến người quá cố mà lâu nay vì mải miết làm ăn mà ta đã bỏ quên họ. Nhớ đến họ để làm điều gì đó cho họ. Thiết tưởng điều họ cần chính là cầu nguyện cho họ khỏi sự công thẳng của Thiên Chúa và nhất là đền tạ những thiếu sót trong thân phận con người của họ qua những hy sinh, những việc lành phúc đức mà khi xưa họ đã không làm. Họ đang cần những việc lành của chúng ta để đền bù cho những thiếu sót trong bổn phận của họ.

Xin cho chúng ta biết dùng tháng 11 như là dịp để làm việc phúc đức thay cho các linh hồn tiên nhân và bạn hữu của chúng ta. Xin nhờ những lời kinh, những việc lành của chúng ta mà Chúa nhân lành xót thương cứu vớt họ. Amen


Lm.Jos Tạ Duy Tuyền

 

Read 1550 times

ĐỨC MẸ MARIA tước hiệu LAVANG
Bổn mạng Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam Tại Đức

https://hinhanh.ldcg.de/

 

« March 2024 »
Mon Tue Wed Thu Fri Sat Sun
        1 2 3
4 5 6 7 8 9 10
11 12 13 14 15 16 17
18 19 20 21 22 23 24
25 26 27 28 29 30 31

Chuyện Phiếm Đạo Đời

Vậy, xin thưa: thoạt khi lọt lòng mẹ, bần đạo được xếp hạng thứ mười hai trong gia đình nhỏ bé, các cụ tìm không ra cái tên nào hay đẹp hơn nữa, bèn đặt cho cái tên là Trần Ngọc Tá, rồi đi hỏi cha xứ Trịnh Như Khuê (lúc ấy làm linh mục chánh xứ Hàm Long, Hà Nội), rồi sẽ sửa đổi sau. Nhưng, cha xứ Hàm Long sau đó làm Giám Mục rồi Hồng Y, các cụ thân sinh ra bần đạo không còn dám quấy rầy cha/cố nữa. Quên đi mất. Để rồi thằng bé, khi di cư vào Nam, đến Nha Trang, quan chức cứ gọi tên lên mà hạch hỏi, thay vì gọi tay Trần ngọc Tá, cứ phiên âm thành Trần Ngọc “Té”, nghe như thằng bé bị té giếng không nghe tiếng gọi, mãi chẳng lên. Thôi thì, từ đó xin chọn tên này làm … quê hương. Dẫu khó thương. Và, đó là những tâm tình hơi khó thương, nhưng có thật, đấy ạ.

Và, đáp ứng câu của chị Đỗ Thị Thu Vân, cựu giáo chức ở Sài gòn, đã hỏi: tại sao các vấn đề người viết đưa ra, đều bỏ ngỏ, không giải đáp? Bần đạo tình thật thưa: mình rất tránh những tranh luận/cãi vã về lập trường thần học, rất thánh kinh. Phần này, xin nhường lời cho các đấng bậc cao siêu, đứng lớp. Riêng cá nhân, chỉ nhìn ra vấn đề trong sống Đạo, ở đời thường. Đã là tốt. Các giải đáp, cho vấn nạn đặt ra cho mỗi người, ở cuộc sống; hãy cứ để mọi người được kiếm tìm. Một khi đã gặp gỡ Đức Kitô rồi, sẽ có đáp số cho riêng mình, mà sống Đạo. Trong cuộc đời. Với mọi người.
Trần Ngọc Mười Hai

Những Sự Kiện Sắp Tới

Keine Veranstaltungen gefunden

Lịch Mục Vụ

  

KyyeuLDCG

Để đánh dấu mừng kỷ niệm 40 năm Đại Hội Công Giáo Việt Nam tại Đức, Liên Đoàn Công Giáo đã thực hiện một tập kỷ yếu ghi lại những sinh hoạt của LĐCGVN và tất cả hình ảnh của các Đại Hội Công Giáo kể từ ngày thành lập cho tới nay. Mọi chi tiết cần biết xin liên lạc Văn Phòng LĐCGVN

Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam

2018 10 09 14 31 09

Đặc san Giáo Sĩ Việt Nam được phát hành qua email 2 tuần một lần. Nếu muốn nhận trực tiếp bằng email, xin vui lòng gởi thư GHI DANH tại địa chỉ: giaosivietnam@gmail.com

LyTrungTin

Soạn Giả cuốn Hỏi Ngã Chánh Tả Tự Vị và Tạp Chí Dân Văn không giữ bản quyền cuốn sách này, do đó tất cả mọi người vì nhu cầu viết tiếng Việt đều có thể in ấn cũng như sử dụng cuốn Tự Vị này, mong rằng đây là một đóng góp tích cực và nhỏ nhoi cho cộng đồng người Việt tại Hải Ngoại.

- Download/tải Hỏi Ngã Chánh Tả Tự Vị
- Download/tải Phụ bản

Khách truy cập

Hôm nay 84

Tổng cộng 14235481

Lên đầu trang