Print this page

Thập giá của con ở đâu?

Thập giá của con ở đâu?

„Ai muốn theo Thầy,
phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo.“ (Mt 16,24)

Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo.

Câu nói trên của Chúa Giêsu gồm có 3 mệnh đề.
Ba mệnh đề cũng là 3 câu hỏi đặt ra cho mỗi tín hữu (mỗi môn đệ)

1. Vậy, dựa vào điểm nào để theo Thầy Giêsu?
2. Tại sao lại phải từ bỏ chính mình, mà từ bỏ chính mình là như thế nào?
3. Vác thập giá mình mà theo, vậy thập giá của con nhìn ra làm sao? Làm thế nào để con nhận ra đó là thập giá của con?

1) Được trở thành môn đệ của Chúa Giêsu là do Tình Yêu Thương của Ngài. Không phải chúng ta chọn Người, mà chính Người đã chọn chúng ta (Ga 15,16).

Tiêu chuẩn mà Chúa Giêsu đặt ra (ban cho) các môn đệ của Ngài là:
Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau." (Ga 13,34-35)

Câu này bao gồm mọi giới răn, trước hết tôn thờ Thiên Chúa trên hết mọi sự, hết linh hồn, hết trí khôn và yêu thương, tôn trọng mọi người như chính mình.

Trong Tin Mừng theo Thánh Gioan, chương 1, câu 1, Thiên Chúa đã mạc khải cho nhân loại biết về Ngôi Hai Thiên Chúa:
Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa.“ (Ga1,1). Ngôi Lời là Thiên Chúa, Ngôi Lời chính là Chúa Giêsu Con Một Thiên Chúa. Đi theo Thầy Giêsu là đi theo Thiên Chúa và được ở trong Tình Yêu Thương của Thiên Chúa. Đây là Giới răn yêu thương giữa con người với Thiên Chúa và con người với con người mà Thánh Gioan nhắc cho chúng ta biết: „Ai nói rằng mình biết Người (Thiên Chúa) mà không tuân giữ các điều răn của Người, đó là kẻ nói dối, và sự thật không ở nơi người ấy.“ (1 Ga, 2,4)

Nếu ai nói: "Tôi yêu mến Thiên Chúa"mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy. (1Ga 4,20)

2) Tại sao lại phải từ bỏ chính mình, mà từ bỏ chính mình là như thế nào?

Để có được hạnh phúc thì, trước hết phải đem bình an và hạnh phúc đến cho người mình yêu cũng như người lân cận. Con đường đưa đến hạnh phúc là con đường mà Chúa Giêsu vạch ra cho chúng ta đó là con đường „Khiêm Nhường“. Con đường đi ngược lại với sự kiêu ngạo của ông bà nguyên tổ Adam – Eva.

Chúa Giêsu dạy chúng ta: "Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng." (Mt 11,28-30)

Chúa Giêsu là Thiên Chúa, thế mà Ngài hạ mình mang lấy thân xác phàm nhân, sống với phàm nhân như anh với em. Ngài còn cho chúng ta biết đường lối của Ngài:

"Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người.
" (Mt 20,28)

Chúa Giêsu không chỉ nói, mà Ngài thực hiện ngay việc hạ mình trước mặt các môn đệ: Khi rửa chân cho các môn đệ xong, Đức Giê-su mặc áo vào, về chỗ và nói: “Anh em có hiểu việc Thầy mới làm cho anh em không? Anh em gọi Thầy là “Thầy”, là “Chúa”, điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em. (Ga 13,12-15)

Chúa dạy chúng ta phải từ bỏ chính mình. Nếu muốn có được một tâm hồn an vui, một đời sống khỏe mạnh vui vẻ hạnh phúc, buộc chúng ta phải từ bỏ chính mình, từ bỏ cái tôi của mỗi cá nhân, từ bỏ lúc nào cũng muốn làm tướng, làm nội tướng, chỉ muốn phán bảo và ra lệnh. Trong tập thể nhỏ nhất là gia đình, rộng lớn hơn là cộng đoàn, là giáo hội, là quốc gia, nếu mọi người tận hiến quên mình đi mà phục vụ lẫn nhau, đem lại niềm vui cho vợ con, cho chồng con, cho cha mẹ, cho mọi người chung quanh, thì trong tâm hồn người đó chắc chắn sẽ tràn ngập niềm vui cho dù người đó có bị thiệt thòi. Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân, lúc đó người ta mới nhận ra mình là người hữu dụng và được mọi người thương mến, vì mình đã làm cho người mình yêu được vui vẻ hạnh phúc. Thay vì hống hách ra lệnh và lười biếng thì sẽ bị mọi người ghét bỏ.

3) Vác thập giá mình mà theo, vậy thập giá của con nhìn ra làm sao? Làm thế nào để con nhận ra đó là thập giá của con?

Mỗi người đều có „Ơn Gọi“ „Berufung“.

Không một ai được sinh ra trên đời này mà không có một nhiệm vụ, trách nhiệm và bổn phận. Phải chăng thập giá của mỗi người là „Bổn Phận“ là „Nghiệp“ mà mình đã mang vào thân? Người ta chỉ có thể tìm được „Hạnh Phúc“ khi chu toàn Bổn Phận, khi sống chính danh mình ở phận nào. Có những người tận hiến cuộc đời cho tha nhân, cho giáo hội, cho đất nước, cho gia đình. Phận làm Tu sĩ, phận làm chồng làm vợ, ơn gọi được làm bác sĩ, làm thầy giáo, làm nội trợ, làm giám đốc, làm công nhân… .

Tuy nhiên, người ta chỉ cảm nhận được Hạnh Phúc khi phục vụ hết tâm hồn, chu toàn nhiệm vụ và đem lại Niềm Vui cho người mình phục vụ.

Như vậy, thập giá có thể là cộng đoàn, là gia đình, là chồng, là vợ, là con cái và là nhiệm vụ trong nghành nghề mà tôi phục vụ!

Chúa Giêsu nói với các môn đệ: "Thầy phải dùng một thứ lương thực mà anh em không biết." Các môn đệ mới hỏi nhau: "Đã có ai mang thức ăn đến cho Thầy rồi chăng? " Đức Giê-su nói với các ông: "Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người."

Thi hành ý muốn của Thiên Chúa Cha chính là thập giá mà Chúa Giêsu đã vác trên vai để cứu nhân loại khỏi sự chết và đem lại Hạnh Phúc cho những ai tin và trông cậy vào Người.

Giuse Bùi Văn Toàn, FD (Familia Dominus)

 

Read 1598 times

Last modified on Sonntag, 23/06/2019