Print this page

Chúa Nhật 34 Thường Niên Năm B,Lễ Chúa Kitô Vua

Chúa Nhật 34 Thường Niên Năm B,Lễ Chúa Kitô Vua

Bài Ðọc I,
Ðn 7, 13-14, Trích sách Ðaniel:

“...Trong một thị kiến ban đêm, tôi đã ngắm nhìn, và đây tôi thấy như Con Người đến trong đám mây trên trời, Ngài tiến đến vị Bô Lão, và người ta dẫn Ngài đến trước mặt vị Bô Lão. Vị nầy ban cho Ngài quyền năng, vinh dự và vương quốc: tất cả các dân tộc, chi họ, và tiếng nói đều phụng sự Ngài; quyền năng của Ngài là quyền năng vĩnh cửu, không khi nào bị cất mất; vương quốc của Ngài không khi nào bị phá huỷ...”
Ðó là lời Chúa.


Bài Ðọc II,
Kh 1, 5-8, Trích sách Khải Huyền:

“...Nguyện chúc cho anh em được ân sủng và bình an của Chúa Giêsu Kitô, là chứng tá trung thành, là trưởng tử kẻ chết, là thủ lãnh các vua trần thế, là Ðấng đã yêu thương chúng ta, Người đã dùng máu Người mà rửa chúng ta sạch mọi tội lỗi, và đã làm cho chúng ta trở nên vương quốc và tư tế của Thiên Chúa, Cha của Người. Nguyện chúc Người được vinh quang và quyền lực muôn đời Amen.Kìa, Người đến trong đám mây, mọi con mắt đã nhìn thấy Người, và cả những kẻ đã đâm Người cũng nhìn thấy Người, các chủng tộc trên địa cầu sẽ than khóc Người. Thật như vậy. Amen.Chúa là Thiên Chúa, Ðấng đang có, đã có, và sẽ đến, là Ðấng Toàn Năng phán: "Ta là Alpha và Ômêga, là nguyên thuỷ và là cứu cánh..."
Ðó là lời Chúa.


Đọc Tin Mừng

Ga 18, 33b-37

"...Khi ấy, Philatô hỏi Chúa Giêsu rằng:"Ông có phải là Vua dân Do-thái không?", Chúa Giêsu đáp: "Quan tự ý nói thế, hay là có người khác nói với quan về tôi?" .Philatô đáp: "Ta đâu phải là người Do-thái. Nhân dân ông cùng các thượng tế đã trao nộp ông cho ta. Ông đã làm gì?" Chúa Giêsu đáp: "Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu nước tôi thuộc về thế gian này, thì những người của tôi đã chiến đấu để tôi không bị nộp cho người Do-thái, nhưng mà nước tôi không thuộc chốn này".Philatô hỏi lại: "Vậy ông là Vua ư?".Chúa Giêsu đáp: "Quan nói đúng. Tôi là Vua. Tôi sinh ra và đến trong thế gian này là chỉ để làm chứng về Chân lý. Ai thuộc về Chân lý thì nghe tiếng Tôi…".
Đó là lời Chúa.

 

 Các Bài Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Xxxiv Thường Niên – Năm A Lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ

 

+/ Trong lịch sử các vua chúa Việt Nam, không có cuộc hôn nhân nào nhiều sóng gió bằng cuộc hôn nhân giữa vua Bảo Đại và hoàng hậu Nam Phương.Năm 1932, sau khi vua Bảo Đại về nước, trong triều đình bàn tán xôn xao về việc vua sẽ cưới vợ. Thái Hậu cũng như các thượng quan, mỗi người đều chuẩn bị tiến dẫn một ái nữ mà họ cho là xứng đáng.Tuy nhiên, vua Bảo Đại vốn là một người cấp tiến, đã bỏ tục lệ đa thê, nay lại làm cho mọi người ngạc nhiên và cả cố đô Huế phải xôn xao. Vua tuyên bố hoàng hậu tương lai là cô Marie Thérèse Nguyễn Hữu Thị Lan, một bạn học cũ ở Pháp và là một người Công Giáo. Lời tuyên bố như tiếng sét đánh ngang tai bà thái hậu Từ Cung và khiến mọi người bàn tán sôi nổi. Nếu vua lấy vợ Công Giáo, con cái sinh ra sẽ được rửa tội. Vậy sau này thái tử lên ngôi sẽ ra sao ? Trước sức mạnh tình yêu, vua Bảo Đại đã vượt qua tất cả những chống đối, phản bác.Ngày 20/3/1934, hôn lễ đã được tổ chức rất long trọng. Vua Bảo Đại đã giữ đúng lời cam kết: cho hoàng hậu tự do hành đạo. Hai hoàng tử và ba công chúa được theo đạo Công Giáo.


- Phải chăng vị vua cuối cùng ở Việt Nam đã muốn bù đắp lại những gì mà các vị tiên đế đã gây ra cho đạo Công Giáo qua các cuộc bách hại đau thương ?Vì tình yêu, một ông vua đã vượt qua tất cả những rào cản và thử thách để đạt tới mục đích cuối cùng là được sống hạnh phúc bên cạnh người mình yêu dấu.

- Đức Giêsu Kitô cũng vì tình yêu, đã vượt qua cả một khoảng cách biệt lớn lao giữa trời và đất, giữa Thiên Chúa và con người, đến trần gian thể hiện một tình yêu vừa cao vời, vừa lạ lùng. Ngài chính là Vua Tình Yêu ở giữa chúng ta và đồng hành với chúng ta.

+/ Chúng ta mừng lễ Đức Giêsu làm vua. Đáng lẽ Tin mừng phải diễn tả quang cảnh tôn vinh Đức Giêsu như một ngày lễ phong vương long trọng theo phong cách lễ nghi tôn vương của các vua trần gian. Nhưng Tin mừng chỉ kể lại phiên tòa xét xử Đức Giêsu. Trên ngai, chánh án toàn quyền Philatô; dưới quảng trường nguyên cáo là các thượng tế và dân chúng; đứng trước vành móng ngựa, bị cáo là Đức Giêsu đầu đội triều thiên gai, hai tay bị trói.Chánh án hỏi: “Ông có phải là vua dân Do thái không?”. Bị cáo hỏi lại Chánh án: “Ông tự ý nói điều ấy hay có ai khác nói với ông về tôi?”. Chánh án đáp: “Tôi đâu có phải là người Do thái, dân ông và các thượng tế đã nộp ông cho tôi”.

Toàn quyền Philatô đại diện hoàng đế La mã, cai trị nước Do thái. Thời đó, đế quốc La mã thống trị 8 nước Âu châu (Ý, Pháp, Anh, Đức, Áo, Nam Tư, Romani, Hy Lạp) 5 nước Á châu (Thổ Nhĩ Kỳ, Syrie, Lyban, Palestine, Do thái) và 5 nước Phi châu (Ai cập, Lybie, Tunisi, Algêrie, Marốc). Chánh án Philatô hỏi bị cáo Giêsu, Đức Giêsu không trả lời, nhưng hỏi lại Philatô và Philatô đã phải trả lời: “Tôi đâu có phải là người Do thái, dân ông và các trưởng tế đã nộp ông cho tôi”.

- Câu trả lời của Philatô đã cho thấy ông thú nhận ba điều:

. Thứ nhất: Philatô là chánh án xét xử Đức Giêsu, nhưng Đức Giêsu không bị dồn vào thế bị động, không bị xét xử, Người đã chủ động, đứng ra xét xử Philatô. Rõ ràng Philatô đã phải thú nhận mình không biết gì về Đức Giêsu, ông chỉ nghe dân chúng và các thượng tế tố cáo Đức Giêsu nổi loạn làm vua. Toàn quyền
Philatô là chánh án không biết bị cáo có tội gì, không biết sự thật mà dám xét xử thì làm sao có công lý.

. Thứ hai: Toàn quyền Philatô nắm giữ quân đội La mã hùng mạnh để giữ gìn an ninh trật tự, để chiến đấu dẹp những kẻ nổi loạn chống lại hoàng đế; thế mà ông không hề phải dùng quân lính dẹp loạn, quân ông không phải chiến đấu với Đức Giêsu. Như vậy, Đức Giêsu có nổi loạn đâu! Sao ông dám kết án Đức Giêsu nổi dậy làm vua? Ông đã xét xử mù quáng.

. Thứ ba: Philatô thay mặt hoàng đế cai trị dân Do thái, như vậy, ông cũng là vua nước nhỏ, vua dân Do thái. Vua phải biết thương dân. Ông chưa biết người dân có tội, đã bắt trói, cầm tù, đánh đập, đội mạo gai, ông thật là thứ vua tàn ác, dã man. Quả thực, mấy năm trước đó, Philatô đã đóng đinh hàng ngàn người thuộc phái Nhiệt thành cuồng tín (Zelotes) nổi loạn.


- Sau khi Philatô thú nhận tội lỗi của mình, Đức Giêsu mới tuyên bố: “Nước Tôi không thuộc về thế gian này. Nếu nước Tôi thuộc về thế gian này, thì người của Tôi đã chiến đấu không để Tôi bị nộp cho người Do thái”.

- Trước hết, Đức Giêsu đã phân biệt nước Người không thuộc về thế gian này. Nước thế gian như đế quốc La mã, vua có binh hùng tướng mạnh, đi xâm lăng thống trị các dân tộc yếu hơn, bắt họ làm nô lệ cho đế quốc. Vua tha hồ bóc lột đàn áp để giết người cướp của. Vua độc tài, độc tôn muốn làm gì thì làm, muốn giết ai thì giết, muốn phong ai thì phong, dù là kẻ bất tài, thất đức.

- Thứ đến, nước Đức Giêsu cũng không phải nước dân Do thái mong đợi. Nước Do thái mong ước là nước con vua Đa vít: bách chiến bách thắng để giải phóng dân tộc khỏi ách nô lệ, và còn thống trị muôn dân nữa. Vua Cứu thế sẽ khôn ngoan hơn Salomon để các vua chúa vương hầu khắp thiên hạ phải tôn vinh Ngài và “đổ về thủ đô Giêrusalem, nguồn phong phú biển cả, và của cải muôn dân đến cho ngươi. Lạc đà đàn đàn che rợp đất, tải vàng với hương trầm, hết thảy kéo lại cho ngươi.

- Sau cùng, nước Đức Giêsu là nước không thuộc về thế gian này, không có quân tướng, vũ khí nên Người sẵn sàng nộp mình cho người Do thái. Nước Người là nước huyền nhiệm, nước trời muôn thuở, vô biên, không có lãnh thổ, không thuộc trần gian, nhưng có từ nguyên thủy đến tận cùng thế giới (Alpha và Ômêga), nước thuộc về Đấng đã có, đang có và sẽ đến.

+/ Trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta còn có bao nhiêu vua chúa khác đang chờ đợi tranh dành ngôi vua với Đức Kitô: Nào là vua thuốc lá, vua bia rượu,vua cờ bạc, vua các tệ nạn như phim ảnh đồi trụy, vua tiền bạc, trai gái lăng loàn mất nết.

- Những ai thiếu khôn ngoan và liều mình để cho các ông vua này cai trị đời họ, thì thật là cả một tai họa khôn lường. Khi đó họ hoàn toàn mất hết tự do, trở nên nô lệ cho chúng, để chúng sai khiến, và họ sẽ vâng lời làm bất cứ điều gì chúng muốn, cả đến tư cách, lý trí và tình nghĩa gia đình bạn bè họ cũng sẵn sàng từ bỏ hết, vì để làm thỏa mãn chúng!

- Đúng vậy, đó là những ông vua độc tài và chỉ muốn nô lệ hóa những kẻ phục tùng chúng. Chúng đòi hỏi các thần dân của chúng những đóng góp rất to lớn về thời giờ và tiền bạc. Chúng hứa mang lại một cuộc sống đầy hoan lạc và vui thú, nhưng rốt cục thường chỉ để lại những cảm giác trống rỗng, chán chường và thất vọng.

- Làm thế nào để chúng ta có thể bảo vệ được sự tự do và độc lập, nhất là tư cách và nhân phẩm của mình trước những ông vua độc tài đó? Chỉ một cách duy nhất là chúng ta hãy dứt khoát xa tránh chúng. Những ông vua này tuy độc tài và luôn nô lệ hóa con người, nhưng chúng lại không có khí giới trong tay để bắt ép được ta làm nô lệ cho chúng. Việc sống cuộc đời tự do và có tư cách, hay làm nô lệ cho chúng là hoàn toàn tùy vào sự quyết định của chúng ta, hoàn toàn tùy vào ý chí của chúng ta.

- Khi nói đến đây tôi lại liên tưởng đến một ông vua khác còn khó tính và độc tài hơn cả trong các ông vua vừa kể trên: đó chính là cái tôi của chúng ta. Cái khó để tự giải thoát khỏi sự cai trị của ông vua độc tài này là ở chỗ: Nó không điều khiển chúng ta từ bên ngoài vào, nhưng là ngự trị nội tại trong ta, chiếm giữ và lèo lái cả lý trí và ý muốn của ta. Cuối cùng, những lợi lộc mà ông vua cái tôi thu vén là cốt cho chúng ta, để phục vụ chính chúng ta. Chính cái khó nhất là ở chỗ đó: Làm thế nào chúng ta có thể khách quan nhận ra cái lệch lạc, cái sai trái của cái tôi – nghĩa là lòng ích kỷ – của chúng ta?

- Con đường duy nhất là tìm về phục vụ Đức Giêsu Kitô-Vua, vị vua đích thực của vũ trụ và của đời sống chúng ta. Người đã hy sinh mạng sống vì chúng ta, Người chịu chết để chúng ta được sống. Người là vị vua nhân hậu, chấp nhận thân phận nghèo hèn và vâng lời chịu lụy cho đến chết, chết trên thập giá.

- Ai chấp nhận và tùng phục Vương quyền êm ái dịu hiền của Đức Giêsu, người đó hoàn toàn tự do trước tứ độ tường, trước mọi mê say tội lỗi. Dĩ nhiên, để phục quyền Đức Kitô-Vua, nghĩa là để bước đi trên con đường của Người, con đường của sự từ bỏ bản thân mình và nhờ thế được sống đời tự do, con người cần phải từ bỏ một đôi thứ – không chỉ những thứ xấu và tai hại, nhưng đôi khi cả những thứ tốt nữa – nếu chúng trở nên chướng ngại vật ngăn cản bước đường đó của chúng ta. Chính đó là con đường đưa dẫn chúng ta vào trong Vương Quốc vô biên giới, một con đường không chỉ hứa mang lại một cuộc sống sung mãn, nhưng còn ban tặng cho ta chính cuộc sống đó nữa. Ai phục vụ Đức Kitô-Vua, người đó tìm được ý nghĩa và mục đích chân thật đời mình.Amen


Linh Mục G.B Nguyễn Ngọc Nga

Địa Chỉ Liên Lạc:
Nhà Thờ Giáo Xứ Tân Sơn,
Xóm Cồn Phượng - Khối 3,
Thị Trấn Nghèn - Huyện Can Lộc - Tỉnh Hà Tĩnh - Việt Nam
Di động: 0912487646
Diese E-Mail-Adresse ist vor Spambots geschützt! Zur Anzeige muss JavaScript eingeschaltet sein!
FB: Thuong Viet Ngheo
https://thuongvietngheo.blogspot.com/


LỜI CHÚA PHÁN:
- "AI VUI VẺ DÂNG HIẾN THÌ ĐƯỢC CHÚA YÊU THƯƠNG"(2Cr 9,7b)
- “Cho thì có phúc hơn là nhận"(Cv 20,35)
- “Chẳng ai có thể nhận được gì mà không do Trời ban”(Ga 3,27)
- Gl 6,9: "...Khi Làm điều THIỆN, chúng ta đừng nản chí, vì đến mùa chúng ta sẽ được gặt, nếu không sờn lòng..."

 

Read 1835 times

Last modified on Sonntag, 25/11/2018