Bài giảng của Linh Mục Nguyễn Ngọc Nam Phong tại buổi cầu nguyện cho Công lý Hòa Bình hôm 25.02.18

Bài giảng của Linh Mục Nguyễn Ngọc Nam Phong tại buổi cầu nguyện cho Công lý Hòa Bình hôm 25.02.18

Chúng ta vừa bước vào năm mới Mậu Tuất. Một mùa xuân mới lại về. Mùa xuân là mùa hy vọng vào những sự đổi thay đang đến.

Những ngày tết vừa qua, chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đã nhận được những lời chúc hết sức tốt đẹp từ bạn bè, người thân. Cá nhân chúng tôi cũng đã nhận được biết bao nhiêu lời cầu chúc, cả những lời cầu chúc có vẻ không phù hợp với chúng tôi, như: “Chúc cha năm mới làm ăn phát đạt” hay có những cháu nhỏ chúc chúng tôi “hay ăn chóng lớn”. Dù chúc như thế nào, thì mọi lời cầu, mọi nguyện ước ta chúc nhau dịp đầu năm, đều diễn tả một mong ước sâu thẳm tự lòng người, là mong cho mọi người, mọi nhà một Năm mới hạnh phúc, bình an, vạn sự như ý.

Trong số các lời chúc đầu năm 2018 này, ngoài những lời cầu chúc quen thuộc rất tốt lành, đáng ước mong, chúng tôi có nhận được một lời cầu chúc thật ấn tượng, đó là lời cầu cho “Đất nước Việt Nam được Chúa chúc lành và được hưởng nền hòa bình, tự do, dân chủ và đổi mới”. Lời cầu chúc này ấn tượng với chúng tôi, bởi vì Đất nước có được Thiên Chúa chúc lành, người dân có được hưởng nền hòa bình, tự do đích thực, thì mọi lời chúng ta cầu chúc cho nhau dịp đầu năm, mới nên hiện thực.

Thực vậy, chúng ta làm sao có thể bình an được, khi chỉ tính trong dịp tết vừa qua có hơn 200 anh chị em chúng ta bị chết vì tai nạn giao thông; hơn 2.000 vụ phải nhập viện vì đánh nhau? Chúng ta có thể bình an làm sao được khi mỗi dịp tết về, điệp khúc thực phẩn bẩn tràn ngập các phương tiện truyền thông. Chúng ta bình an và tự hào làm sao được, khi ô nhiễm môi trường ngày càng thêm trầm trọng? Sông, suối, ao hồ, chỉ còn là những dòng sông, những ao hồ chứa đầy sự chết chóc. Chúng ta bình an làm sao được khi Tổ chức y tế thế giới (WHO) xếp Việt Nam trong top 2 của bản đồ ung thư thế giới. Mỗi ngày trung bình có khoảng 257 người chết vì ung thư, tương đương với 94.000 người chết mỗi năm. Chúng ta an tâm sao được, khi học đường nơi dạy con cái chúng ta về đạo đức, kiến thức và nhân cách thì lại là nơi chứa đầy sự giả dối, bất an và bạo lực. Chúng ta an tâm làm sao được khi những nhà lãnh đạo quốc gia không lo cho dân cho nước, mà chỉ đấu đá, lợi ích nhóm, tham nhũng bòn rút tài nguyên thiên nhiên làm của riêng mình…

Trước hiện trạng bi đát của đất nước, nhiều người đã nói với chúng tôi rằng, nói làm gì không thay đổi được gì đâu? Một số người khác thì lại cho rằng Chúa có cách của Chúa, thôi kệ đi, cố gắng sống tốt là được? Nhưng thế nào là sống tốt? Sống tốt là phải sống tốt với ai, phải làm gì cho tha nhân, chứ không thể chỉ biết sống an toàn cho riêng mình và gia đình mình, rồi bảo rằng sống tốt? Hôm nay, nhân dịp ngày đầu năm mới, cũng là ngày chúng ta cùng cầu cho công lý và hòa bình, chúng tôi xin được chia sẻ hai điều sau đây:

1. Là những người Công giáo, chúng ta không được phép an tâm đến độ vô tâm với quê hương đất nước này. Đức Giáo hoàng Bênêđíctô, trong cuộc gặp với ông Nguyễn Minh Triết, nguyên Chủ tịch nước, ngày 11/12/2009 đã nói: “Giáo dân tốt cũng là Công dân tốt”. Chúng ta không thể là giáo dân tốt nếu không sống tốt tư cách công dân, một công dân mẫu mực yêu nước thương nòi. Về điều này, Thư chung năm 1980 của HĐGMVN chỉ rõ: “yêu tổ quốc, yêu đồng bào, đối với người Công giáo không những là một tình cảm tự nhiên phải có mà còn là một đòi hỏi của Phúc Âm, như Công đồng nhắc nhở: “là công dân tốt, họ phải thật sự và tích cực vun trồng lòng yêu nước” (Thư chung 1980, số 11). Ở đây, cần phải nói rõ, yêu nước không phải là yêu chủ nghĩa xã hội như những người cộng sản đã tuyên truyền, vì các chế độ chính trị thay đổi theo thời gian, còn dân tộc thì trường tồn. Do đó, yêu nước là đặt lợi ích của dân tộc lên trên hết, là đồng hành với những con người cụ thể đã và đang làm nên dân tộc này, nhất là những người cùng khổ và bị quên lãng, là nuôi dưỡng và làm sống mãi những giá trị làm nên di sản tinh thần và văn hoá của dân tộc Việt Nam: chống ngoại xâm, giữ gìn bờ cõi, chống cường quyền, tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách…Tắt một lời, yêu nước dứt khoát không phải là yêu đảng cộng sản hay yêu chủ nghĩa xã hội.

2. Chúng ta đang sống những ngày đầu của Mùa chay thánh. Mùa chay, mùa sám hối tội lỗi mình để làm một cuộc thay đổi từ trong tư tưởng, đến những hành động của chúng ta. Trong Sứ điệp Mùa chay năm nay (2018), với chủ đề: “Vì tội ác gia tăng, nên lòng yêu mến của nhiều người sẽ nguội đi” (Mt24, 12), Đức thánh cha Phanxicô đã cảnh giác tất cả chúng ta về hiện tượng các tiên tri giả. Ngài viết: “Giữa muôn vàn thử thách lớn lao, các tiên tri giả sẽ lèo lái dân vào con đường sai lạc và làm cho tình yêu vốn là điều cốt lõi của Tin mừng, ngày càng trở nên lạnh nhạt trong lòng nhiều người.” Nói về những mánh khóe, những gian manh của các tiên tri giả, Đức Thánh cha viết:

“Họ có thể xuất hiện như những “người quyến rũ xảo quyệt”, họ lợi dụng cảm xúc con người để bắt kẻ khác làm nô lệ và rồi họ dẫn người ta đến nơi họ muốn. Đã biết bao con cái của Thiên Chúa bị mê hoặc bởi những thú vui chóng qua, lầm tưởng đó là hạnh phúc đích thực! Có biết bao người nam nữ rơi vào ước vọng giàu sang khiến họ lệ thuộc vào lợi lộc và những thú vui tầm thường! Có biết bao người trong đời sống tin rằng mình có đủ mọi thứ, và cuối cùng họ lại bị bó chặt trong nỗi cô đơn!

Tiên tri giả cũng có thể là những “kẻ bịp bợm”, họ đưa ra những giải pháp dễ dàng trước mắt để rồi, sau đó đau khổ sớm minh chứng cho những điều ấy hoàn toàn là vô ích. Có biết bao người trẻ bị mê hoặc bởi thần dược của nghiện ngập, của những tương quan hời hợt, của những dễ dãi nhưng lợi ích lại không thực! Có bao người chìm đắm trong cuộc sống “ảo tưởng”, trong những tương quan dường như nhanh chóng và đơn giản, chỉ để chứng minh điều vô nghĩa! Những kẻ lừa đảo rao bán những thứ không có giá trị thực sự, họ cướp tất cả những gì quý giá nhất của con người là: phẩm giá, tự do và khả năng yêu thương. Họ nại vào sự kiêu căng, tin tưởng của ta ở vẻ bên ngoài, nhưng sau hết, họ chỉ khiến cho chúng ta nên khờ dại. Chúng ta cũng không nên ngạc nhiên. Để lòng con người ra hoang mang, Ma Quỷ là “kẻ nói dối và là cha của kẻ dối trá” (Ga 8, 44), đã luôn cho thấy điều ác là tốt lành, sự giả dối hệt như sự thật. Đó là lý do tại sao mỗi người chúng ta được mời gọi để nhìn vào lòng mình để xem chúng ta có đang là con mồi của những dối trá nơi những ngôn sứ giả như thế không. Chúng ta phải học nhìn thật kỹ vào chiều sâu và nhận ra những gì để lại dấu ấn tốt đẹp và lâu dài trong tâm hồn ta, bởi vì điều ấy đến từ Thiên Chúa và thực sự vì lợi ích của chúng ta” (Chuyển ngữ: Giuse Phạm Đình Ngọc SJ).

Chúng ta có thể đặt ra một câu hỏi: ai là những tiên tri giả trên đất nước chúng ta lúc này? Chúng ta hết thảy có thể đang là những tiên tri giả, khi chúng ta để cho sự ác hoành hành, không dám thực hiện sứ mang ngôn sứ mà Chúa đã giao cho chúng ta ngày chúng ta lãnh bí tích rửa tội. Chúng ta là những tiên tri giả khi, bằng lối sống của mình, chúng ta đang loan truyền cho các thế hệ mai sau là con cái chúng ta một lối sống hưởng thụ, lệch lạc, ích kỷ, chỉ nghĩ đến bản thân và gia đình mà không nghĩ tới công ích, đến lợi ích của quốc gia, của dân tộc. Chúng ta là những tiên tri giả khi chúng ta vô tâm, vô cảm, vô lý với anh chị em đồng loại, nhất là những anh chị em đang chịu cảnh bất công…

Điều bi đát, đối với đất nước Việt Nam chúng ta là, chúng ta không chỉ có những cá nhân là tiên tri giả, mà chúng ta có một “ông tiên tri giả khổng lồ”, một hệ thống chính trị giả dối, mị dân, chuyên “lừa đảo rao bán những thứ không có giá trị thực sự, họ cướp tất cả những gì quý giá nhất của con người là: phẩm giá, tự do và khả năng yêu thương. Họ nại vào sự kiêu căng, lừa ta tin tưởng ở vẻ bên ngoài, nhưng sau hết, họ chỉ khiến cho chúng ta nên khờ dại.”

Thật vậy, những ngày tết này, đi đâu chúng ta cũng thấy giăng mắc khắp nơi những khẩu hiệu giả tạo, biến người dân thành những người khờ khạo, như: “Mừng đảng, mừng xuân”; “Chủ nghĩa Mác-Lênin bách chiến cách thắng”; “Đảng lao động VN quang vinh muôn năm”, “Đảng là người tổ chức và lãnh đạo mọi thắng lợi của cách mạng”, “Tinh thần cách mạng tháng Tám bất diệt”… Những khẩu hiệu này, nói như ông Phan Diễn, nguyên Ủy viên Bộ chính trị đảng cộng sản, thể hiện rất rõ thói “kiêu ngạo cộng sản”, coi thường tất cả. Nói về thói kiêu ngạo cộng sản, nhà báo Nguyễn Thông viết: “Bộ máy tuyên truyền cộng sản là nơi thể hiện sự kiêu ngạo rõ nhất. Quanh năm suốt tháng, đặc biệt vào các dịp lễ tết, băng rôn khẩu hiệu tung hô đỏ rực rợp đường, từ thành thị tới nông thôn, mừng đảng mừng xuân hoặc tụng ca muôn năm này nọ. Số tiền chi cho việc này cực lớn. Nói không ngoa, những nước cộng sản là những siêu cường quốc về khẩu hiệu tự tán tụng mình. Các chế độ, nhà nước phong kiến ngày xưa chuyên về "vạn tuế" phải gọi bằng cụ. Sự sùng bái cá nhân của người cộng sản dường như một phần được hình thành từ sự kiêu ngạo. Với họ, cứ là lãnh tụ thì sẽ là thần thánh, là đỉnh cao chói lọi, sáng như vầng thái dương, đẹp hơn cả mùa xuân. Mỗi lời nói của lãnh tụ chả khác gì châu ngọc, gấm thêu. Những Lênin, Mao Trạch Đông, Stalin, Kim Nhật Thành, Fidel Castro, và cả cụ Hồ, đều được họ ca tụng cực kỳ mẫu mực, đẹp đẽ. Còn hơn cả Phật, cả Chúa. Không ai được động vào thần tượng. Nói đâu xa, ngay cỡ lãnh tụ tầm vừa vừa ở xứ ta, như các ông Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Trường Chinh, Nguyễn Văn Linh…, tới dịp kỷ niệm ngày sinh ngày mất là cứ ồn ào như hội, đó là chưa kể xây dựng đủ thứ nhà tưởng niệm nọ kia khiến thiên hạ cảm tưởng đó là thánh chứ không phải người.” (https://boxitvn.blogspot.de/2017/10/su-kieu-ngao-cong-san.html).

Một đất nước mà những người dân bị ru ngủ bởi những khẩu hiệu như thế thì làm sao tiến bộ được. Một đất nước mà những nhà lãnh đạo kiêu ngạo như thế thì làm sao dân tộc có thể đón nhận được sự chúc lành từ trời cao!

Hôm nay, ngày đầu Năm mới – ngày chúng ta họp nhau nơi đây để cầu nguyện cho Công lý và Hòa bình, Lời Chúa hôm nay mời chúng ta cùng lên núi biến hình với Chúa để thấy vinh quang của người trên các dân tộc; để thấy kế hoạch cứu độ của Chúa được thực hiện ngang qua các vị ngôn sứ của Cựu ước như Môisê, như Elia và nhất là được thực hiện một cách toàn diện ngang qua cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu. Kế hoạch ấy, Chúa đã trao cho các môn đệ của người sau khi họ cùng Ngài xuống núi. Kế hoạch ấy, Người cũng đã trao vào tay mỗi người chúng ta như những vị tiên tri của Chúa, để cùng Chúa thực hiện giấc mơ của Người trên mọi con người, mọi quốc gia và dân tộc.

Đức Giáo hoàng Phanxicô, trong bài giảng lễ ngày thứ Tư lễ Tro năm nay, đã mời gọi toàn thể các tín hữu hãy cùng nhau làm ba việc quan trọng: “Lặng, Nhìn và Trở về”. Những giây phút đầu năm, cũng là đầu Mùa chay thật thích hợp để chúng ta cùng nhau thinh lặng trước Chúa cả đất trời, trước anh linh của các tiền nhân, để nhìn thật sâu vào lương tri của mình xem chúng ta là ai? Chúng ta có còn tình yêu với Chúa, với tha nhân - những người nghèo khổ khốn cùng, với quê hương đất nước hay không? Nếu còn thì đó là hồng phúc cho gia đình và cho đất nước chúng ta. Nếu không, hãy “ăn chay, cầu nguyện, làm việc lành phúc đức” để trở về với Chúa, Đấng là Mùa xuân vĩnh cửu, là nguồn phúc lộc chan hòa; hãy làm một cuộc đổi thay bắt đầu từ chính bản thân mình, can đảm nhận diện các tiên tri giả của thời đại và cùng nhau cất lên tiếng nói ngôn sứ, tố cáo những bất công, những mánh khóe của các nhóm lợi ích đang tàn phá đất nước và dân tộc này. Có như thế, chúng ta mới có được một mùa xuân đích thực. Có như thế, những lời chúng ta cầu chúc cho nhau đầu năm, mới nên hiện thực.

Xin Chúa chúc lành cho anh chị em! Xin Chúa chúc lành cho đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta!

Linh Mục Nguyễn Ngọc Nam Phong

 

Read 2542 times

Last modified on Freitag, 09/03/2018

ĐỨC MẸ MARIA tước hiệu LAVANG
Bổn mạng Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam Tại Đức

https://hinhanh.ldcg.de/

 

« March 2024 »
Mon Tue Wed Thu Fri Sat Sun
        1 2 3
4 5 6 7 8 9 10
11 12 13 14 15 16 17
18 19 20 21 22 23 24
25 26 27 28 29 30 31

Những Sự Kiện Sắp Tới

Keine Veranstaltungen gefunden

Lịch Mục Vụ

  

Khách truy cập

Hôm nay 105

Tổng cộng 14235502

Lên đầu trang