Print this page

Đức Mẹ Trà Kiệu

Đức Mẹ Trà Kiệu


A. SƠ LƯỢC LỊCH SỬ

NGƯỢC DÒNG THỜI GIAN

Cuối thế kỷ thứ II, Trà Kiệu được biết đến như một vùng đất thuộc nước Lin Yi (Lâm Ấp) trải dài từ đèo Hải Vân đến đèo Cù Mông. Sri Mara (Khu Liên hay Kiu Liên) là vị vua đầu tiên của Lâm Ấp. Ngày nay khu vực này được biết đến qua tên gọi Champa, nhưng mãi đến thế kỷ VI thì tên Champa (Chiêm Thành) mới xuất hiện trên các bia đá của vương quốc này. Lúc này vương quốc Champa chia thành hai vương quốc nhỏ. Dưới thời vua Bhadravarman I thuộc triều đại Gangaraja (VI-VIII) nước Champa có kinh đô là Sinhapura và đây chính là: Trà Kiệu ngày nay. [1]

Kinh thành Sinhapura được Lịch Đạo Nguyên người Bắc Ngụy mô tả trong Thủy Kinh Chú như sau: “… Về phía Tây Nam giáp núi, phía Đông Bắc trông ra sông. Nhiều lớp hào bao quanh chân thành, và bên ngoài các hào về phía Đông Nam sông chảy men bờ thành. Bề Đông Tây của thành thì dài, bề Nam Bắc thì hẹp. Phía Bắc, sông uốn khúc chảy từ Đông Tây vào thành. Chu vi thành 8 lý 120 bộ… Trong thành lại có thành nhỏ chu vi 230 bộ. Nhà họp và điện ngồi đều không trổ cửa về phương Nam…[2]

Sinhapura do Lịch Đạo Nguyên diễn tả đã được kiểm chứng phù hợp qua cuộc khảo cổ năm 1927-1928 dưới sự hướng dẫn của nhà khảo cổ học J. Y Claeys, thuộc Học Viện Viễn Đông Pháp ở Hà nội. Sử cũ thời Gia Long cũng đã ghi chép về Trà Kiệu như sau:

Nam khóa Tào Sơn
Bắc cự Sài Thủy
Đông Lâm
Quế Hạt
Tây chấm Tùng Sơn

Dịch là:
Nam trùm núi Hòn Tàu.
Bắc đạp sông Chợ Củi - Câu Lâu.
Đông giáp khu Đông Quế Sơn.
Tây gối núi Dương Thông.

Ngày nay mặc dầu con sông phía Bắc không còn như xưa nữa, nhưng chỉ là một con suối, mùa nắng thì khô cạn, mùa mưa thì ngập nước, có khi nước dâng rất cao.

TRÀ KIỆU VỚI CUỘC NAM TIẾN

Cuối thế kỷ XIV đã có người từ Thanh-Nghệ-Tĩnh vào Quảng Nam lập nghiệp. Nhưng đến thế kỷ XV Quảng Nam mới thực sự thuộc về người Việt.

Dưới thời nhà Hồ (1400-1407), tướng Đỗ Mãn đem quân sang đánh Chiêm Thành, vua Chiêm Thành dâng đất Chiêm Động (Phủ Thăng Bình - Tỉnh Quảng Nam) để cầu hòa. Sau khi chiếm được cả Cổ Lũy (Quảng Ngãi), nhà Hồ lệnh cho dân giàu có ở Nghệ An, Thuận Hóa vào định cư ở Chiêm Động và Cổ Lũy. Từ đó người Chiêm Thành cũng dần dần bỏ hẳn đất này mà đi.

Năm 1471 (đời Hồng Đức thứ 2) Đạo Thừa Tuyên Quảng Nam ra đời. Danh xưng Quảng Nam cũng có từ đây. Lúc này (1471) ta có Hi Giang huyện -Thăng Hoa phủ -Thừa Tuyên Quảng Nam đạo. Hi Giang chính là huyện Duy Xuyên ngày này, bao gồm Trà Kiệu (Trà Kiệu xã - Hy Giang huyện - Thăng Hoa phủ - Thừa Tuyên Quảng Nam đạo - Đại Việt quốc.)

Đến đời Lê Thế Tông (1578) niên hiệu Quang Hưng, Trà Kiệu được mở rộng thành một vùng rộng lớn, nhưng đời Thành Thái (1905) năm thứ hai, địa danh Trà Kiệu lại bị thu hẹp trong 5 xã gồm Trà Kiệu Trung, Trà Kiệu Đông, Trà Kiệu Tây, Trà Kiệu Nam và Trà Kiệu Thượng.

Trà Kiệu Thượng chính là giáo xứ Trà Kiệu ngày nay thuộc Xã Duy Sơn.

TRÀ KIỆU LÀNG CÔNG GIÁO

Mặc dù lịch sử có đề cập đến việc các nhà truyền giáo Phương Tây đến rao giảng Tin Mừng ở miền đất của Chiêm Thành, nhưng không thấy ghi lại kết quả của việc truyền giáo. Năm 1580 hai linh mục Dòng Đaminh là Grégoire de la Motte (Pháp) và Luis de Fonséca (Bồ Đào Nha) cũng đã đến giảng đạo cho dân Chiêm và dân Việt ở Quảng Nam nhưng không có kết quả gì mấy.

Hạt giống Tin Mừng chỉ thực sự bắt đầu trổ sinh từ khi hai linh mục Francesco Buzomi (Ý), Diego Carvallo (Bồ) và hai thầy trợ sĩ José, Paolo (Nhật) đến truyền giáo tại cửa Hàn (Hải Phố) vào ngày 18 tháng 1 năm 1615. Năm 1628 đời Lê Thần Tông niên hiệu Vĩnh Tộ, hai tộc Lê Văn và Nguyễn Viết là người Công Giáo đến sinh sống tại Champa và làng Công Giáo Trà Kiệu được thành lập tính theo mốc thời gian này trở về sau.

Ngày 2 tháng 4 năm 1722 linh mục Felipe de la Conepción từ Manila đến Trà Kiệu và đã dựng một ngôi thánh đường, lấy Thánh hiệu là Philliphê. Đây là ngôi thánh đường đầu tiên trên đất Trà Kiệu. Theo tài liệu ghi lại và qua tiếp xúc với các vị tiền bối tại Trà Kiệu, ngôi thánh đường này được xây trên đất vườn của ông trùm Long. Trong thời gian này giáo xứ Trà Kiệu do các linh mục Dòng Phanxicô cai quản.

Năm 1749 linh mục Fedro García được cử đến Trà Kiệu. Năm 1863, Trà Kiệu đón linh mục Việt Nam đầu tiên đến là cha Lê Văn Triết. Hai năm sau, năm 1865 cha di chuyển thánh đường đến địa điểm như hiện nay.

Theo Cha Galibert mô tả thì trong các thế kỷ XVII, XVIII, XIX nơi đây (Trà Kiệu) có nhà thờ đẹp đẽ và công cuộc rao giảng Tin Mừng cũng rất tốt đẹp. Nhưng kể từ khi Pháp tấn công Đà Nẵng (1-9-1858) thì trong mấy thập niên liên tiếp không có nhà truyền giáo Châu Âu nào đến Trà Kiệu được cả. Mãi đến năm 1869 khi tình hình lắng dịu thì Giám mục Charbonnier mới đến thăm Trà Kiệu, nhưng bị đón bắt và buộc phải rời khỏi Quảng Nam.

Năm 1870 linh mục Louis Marie Galibert (Lợi) được bổ nhiệm đến Trà Kiệu trong điều kiện rất khó khăn. Năm 1872 cha xây nhà thờ, và trong một bức thư viết tại Quảng Nam gởi về gia đình ở Pháp đề ngày 1 tháng 3 năm 1870, cha ước tính giáo xứ Trà Kiệu lúc đó có khoảng 700 giáo dân. Linh mục Galibert làm cha xứ Trà Kiệu từ 1870 đến 1877. Tiếp sau đó, linh mục Jean Bruyère (Nhơn) người Pháp được cử đến Trà Kiệu thay cha Galibert.

Năm 1889 giáo dân Trà Kiệu và cha xứ đã trùng tu lại nhà thờ chính để bày tỏ lòng tri ân Thiên Chúa và Mẹ Maria. Đến năm 1970 linh mục Lê Như Hảo cho xây ngôi thánh đường hai tầng như hiện nay và đã được tu bổ, trang hoàng lại do linh mục Phaolô Mai Văn Tôn.

nha tho Tra Kieu

Nhà thờ Trà Kiệu

BIẾN CỐ VĂN THÂN

Trà Kiệu dính liền với biến cố Văn Thân, và vì thế không thể nói đến Trà Kiệu mà không nói về những cuộc tấn công Trà Kiệu của quân đội Văn Thân. Nhưng qua biến cố này mà sự can thiệp của Đức Mẹ đã làm nên danh hiệu Đức Mẹ Trà Kiệu.

Năm 1885, sau khi vua Hàm Nghi bỏ kinh thành, phong trào Cần Vương nổi dậy tại nhiều tỉnh miền Trung với khẩu hiệu “Bình Tây, Sát Tả”. Ngày 1 tháng 9 năm 1885, một ngày sau khi quân Văn Thân chiếm được Quảng Nam, binh sĩ Văn Thân với sự trợ giúp của cả tỉnh Quảng Nam, ào ạt kéo đến vây trà Kiệu, một họ đạo nhỏ bé, diện tích khoảng 1 cây số vuông, với chừng 1500 giáo dân, kể cả người già, đàn bà và con nít.

Quân Văn Thân đông đảo, với vũ khí đầy đủ, có cả đại bác thần công và voi trận. Về phía giáo dân Trà Kiệu vừa ít ỏi, lại chỉ có những vũ khí thô sơ. Trước lực lượng đông đảo của nhóm Cần Vương, giáo dân Trà Kiệu đã tỏ ra khiếp sợ. Họ chạy đến nhà thờ cầu xin Ðức Mẹ và đã chống trả quyết liệt trong suốt 21 ngày. Trong lúc chiến đấu, giáo dân luôn hô to khẩu hiệu Giêsu - Maria - Giuse để tăng thêm lòng tin, can đảm, và sức mạnh.

Ngày 11 tháng 9 năm 1885, Ðức Mẹ đã hiện ra đứng trên nóc nhà thờ để bảo vệ và chiến đấu giúp cho giáo dân. Khi nghe quân Văn Thân không ngừng kêu lên: “Thật lạ lùng, có một người Đàn Bà rất đẹp luôn đứng trên nóc Nhà Thờ mà chúng ta không sao bắn trúng”, giáo dân và cả cha xứ đã cố nhìn lên nóc nhà thờ nhưng không ai được thấy Đức Mẹ. Ngoài ra, quân Văn Thân còn tỏ ra khiếp sợ khi thấy “một cơ binh con nít áo đỏ, áo trắng, đã ào ào từ không trung tràn xuống theo lũy tre xanh, tay hươi gươm bạc sáng ngời và chiến đấu phụ giúp giáo dân bảo vệ Trà Kiệu.” Đạo binh này được tin là đạo quân các thiên thần do Nữ Vương Thiên Thần là Mẹ Maria sai xuống chiến đấu giúp con cái Mẹ. Trong Kinh Cầu Đức Bà, Giáo Hội đã xưng tụng Đức Mẹ là “Nữ Vương Các Thiên Thần”.

Cuối cùng sau phát súng hạ gục tên Văn Thân đầu tiên trên đỉnh đồi Bửu Châu, quân Văn Thân tự động tháo chạy. Vì sợ người Công Giáo đuổi theo, quân Văn Thân chạy liên tục không nghỉ ra xa khỏi Trà Kiệu khoảng từ 15 đến 20 km. Hôm đó, ngày 21 tháng 9 năm 1885 vòng vây bị phá vỡ. Toàn thể giáo dân Trà Kiệu kéo về tạ ơn Chúa, Đức Mẹ và các Thiên Thần.

Lần cuối cùng quân Văn Thân đến bao vây Trà Kiệu là ngày 20 tháng 4 năm 1886, nhưng cũng thất bại để rồi không bao giờ trở lại Trà Kiệu nữa.

Ðể tỏ lòng biết ơn, giáo dân Trà Kiệu đã trùng tu lại ngôi thánh đường, nơi Ðức Mẹ đã hiện ra, từ 1889-1892 và được Ðức cha F.X. Van Camelbecke Hân khánh thành. Ngôi thánh đường hai tầng hiện nay được xây lại vào năm 1970 để ghi ơn Đức Mẹ dưới tước hiệu “Đức Bà Phù Hộ Các Giáo Hữu.” Ngày 31 tháng 5 năm 1971, Ðức giám mục Phêrô Phạm Ngọc Chi đã đặt Trà Kiệu là Trung Tâm Thánh Mẫu của giáo phận Ðà Nẵng.

Tài liệu viết về Trà Kiệu, căn cứ trên những bài viết của linh mục Geffroy thuộc Hội Thừa Sai Paris (MEP), đăng trên tuần báo Missions Cathothiques ở Paris vào các ngày 3, 10, và 17 tháng 9 năm 1886 (bản tiếng Việt), cũng như tài liệu của H. Ravier. Sử ký Hội thánh (Historiae Ecclesiasticae). Q. III và E. Teysseyre. Monseigner Galibert, mà Trần Thạnh Đàm[3] công nhận tính cách lịch sử của biến cố Trà Kiệu, nhưng cho rằng cuộc chiến đã bị thần thánh hóa. Việc quân Văn Thân vây đánh Trà Kiệu cũng còn được đối chiếu với bài viết của linh mục Phạm Châu Diên sau này. Theo đó, “Cho tới năm 1888 Địa Phận Đông phải chứng kiến những cuộc bách hại dữ dội nhất của Văn Thân: 8 thừa sai Pháp, 5 linh mục Việt, 60 thầy giảng, 270 nữ tu, trên 25.000 giáo dân bị giết, 225 Thánh đường, 17 cô nhi viện, 10 tu viện bị thiêu hủy. Số giáo dân 41.000 người năm 1884, chỉ còn 15.000 năm 1886.”[4] Khẩu hiệu “Bình Tây” đã đem lại cái chết của 8 thừa sai người Pháp, còn “Sát Tả” thì “máu con nhà đạo” chảy ra quá lai láng. Yoshiharu Tsubod đã bình luận về Hịch Văn Thân và cho rằng: “Những người nổi dậy chỉ có một mục tiêu: tiêu diệt giáo dân.”[5] Trước tình hình chung ấy, Trà Kiệu cùng chung một số phận là bị bách hại và chịu gian khổ.

BIẾN CỐ MẬU THÂN

Nói đến Trà Kiệu không chỉ nói đến biến cố Văn Thân, mà gần đây còn phải nhắc đến biến cố Mậu Thân năm 1968. Sau đây là lời tường thuật của linh mục Nguyên Thanh về biến cố Mậu Thân với ơn phù trợ đặc biệt của Đức Mẹ Trà Kiệu. Theo ngài, biến cố này là để thêm vào một chứng tích lịch sử nữa về lời bầu cử vạn năng của Đức Mẹ cho con dân Trà Kiệu:

Tết Mậu Thân 1968, Việt cộng mở cuộc tổng tấn công Việt Nam Cộng Hòa. Khi ấy tôi đang phục vụ tại Giáo xứ Trà Kiệu, vốn là nơi nổi tiếng với sự kiện Đức Mẹ đã hiển linh và cứu giáo dân Trà Kiệu khỏi bị quân Văn Thân tàn sát vào năm 1885. Một sự thật không ngờ là Đức Mẹ đã cứu giáo dân Trà Kiệu một lần nữa vào Tết Mậu Thân 1968. Vào những tháng cuối năm 1967, tình hình Trà Kiệu bất an, tối nào cũng vang rền tiếng đại bác 105 và đại liên từ đồi Hòn Bằng bắn xuống khu vực xã Xuân Trường, nơi mà quân Việt cộng thường xâm nhập khiêu khích với hàng loạt AK dòn dã. Mỗi buổi chiều, giáo dân Trà Kiệu ôm mền chiếu tới hiên nhà thờ để ngủ qua đêm. Đêm trước giao thừa - năm ấy Cộng sản miền Bắc đã in lịch giao thừa sớm trước một ngày, nên giao thừa của miền Nam thì Việt cộng mở cuộc tổng tấn công. Trong đêm đó, chúng đã tràn ngập chi khu, quận Duy Xuyên, tấn công đồi Hòn Bằng, chỉ cách nhà thờ Trà Kiệu một con suối nhỏ. Đồn Hòn Bằng có một trung đội pháo binh với 2 khẩu đại bác 105 mm và một đại đội địa phương quân trấn đóng. Đêm giao thừa miền Nam, chúng dùng biển người tràn lên đồi, chiếm được hai khẩu đại bác 105 mm. Các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) còn sống sót rút vào trong lô cốt xây bằng đá. Họ leo lên tầng 3 với 300 quả lựu đạn. Cộng quân ôm bộc phá nhào tới chân lô cốt cố gắng đánh sập lô cốt. Từ trên cao, anh em chiến sĩ VNCH tung lựu đạn xuống. Cuộc chiến kéo dài từ 2 giờ đến 5 giờ sáng mà cộng quân không sao phá được lô cốt, đành rút lui. Tới 7 giờ sáng, trung úy Nguyễn Ngọc Dũng (cháu ruột trung tướng Nguyễn Ngọc Lễ) trung đội trưởng pháo binh cùng vài binh sĩ đi xuống nhà xứ và thuật lại trận đánh cho chúng tôi, và mời tôi lên làm mục vụ giúp đỡ anh em binh sĩ còn thoi thóp. Tôi lên đồi. Và lần đầu tiên chứng kiến cảnh tàn bạo của chiến tranh: Rải rác khắp trên đồi Hòn Bằng là những thân người mất đầu, óc văng tung tóe. Tôi bước lên giữa những cánh tay, những khúc chân, văng rải khắp đồi. Mùi thịt người tanh tưởi ghê rợn. Một vài anh em chiến sĩ còn rên rỉ. Tôi xức dầu nguy tử. Hai khẩu đại bác còn nguyên vẹn nhưng kho đạn 105 ly bị trúng pháo nổ tan tành. Cộng quân cố chiếm hai khẩu đại bác này và nếu kho đạn không nổ tung thì chúng sẽ san bằng nhà thờ và tàn sát giáo dân Trà Kiệu, những người tín hữu khốn khổ đang sợ hãi xúm nhau đọc kinh cầu nguyện trong nhà thờ. Tôi cảm nhận một lần nữa Đức Mẹ đã cứu giáo dân Trà Kiệu. Vì không người nào tử thương trong trận tổng tấn công Tết Mậu Thân này.[6]

TRUNG TÂM THÁNH MẪU TRÀ KIỆU

Ngày nay Trà Kiệu là một làng toàn tòng Công Giáo thuộc xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Giáo xứ Trà Kiệu là một trong các giáo xứ cổ xưa nhất giữa lòng lịch sử Giáo Hội Công Giáo Việt Nam. Cách thành phố Đà Nẵng về hướng Tây Nam khoảng 40km. Trà Kiệu không chỉ là Trung Tâm Thánh Mẫu thu hút khách hành hương từ khắp nơi, nhưng còn là cố đô của Champa nên có nhiều khách du lịch đến tham quan. Hành khách theo Quốc Lộ 1A đến ngã ba Nam Phước rẽ vào tỉnh lộ 610 đi thêm chừng 7km là đặt chân lên linh địa Trà Kiệu.[7]

Từ khi được Mẹ hiển linh giúp cho giáo dân chiến thắng những cuộc tấn công của Văn Thân năm 1885 đến nay, Đức Mẹ với tước hiệu Đức Mẹ Trà Kiệu đã trở thành nổi tiếng là linh thiêng. Linh địa Trà Kiệu đã thu hút rất nhiều khách hành hương kể cả những người ngoài Công Giáo đến cầu khẩn. Nhiều người trong họ đã được sở nguyện như ý. Cỏ cây quanh đền thờ cũng được tin rằng có sức chữa nhiều bệnh tật nhờ ơn Đức Mẹ thông ban.

Mười ba năm sau (1898), giáo dân Trà Kiệu xây cất một đền thờ trên ngọn đồi Bửu Châu để ghi nhớ công ơn Đức Mẹ.

Hằng năm, Giáo phận Đà Nẵng tổ chức ngày Đại Hội Hành Hương tại Trung Tâm Thánh Mẫu Trà Kiệu vào ngày Lễ Đức Mẹ Thăm Viếng, 31 tháng 5 Dương lịch. Đền thánh kính Chân Phước Anrê Phú Yên gần đó tại Phước Kiều, nơi Ngài đã đổ máu như người chứng thứ nhất của Giáo Hội Việt Nam vào năm 1644 cũng thu hút nhiều người đến cầu khấn.

Sau khi giáo phận Đà Nẵng được thành lập (18-01- 1963), trong thánh lễ bế mạc Đại Hội Thánh Mẫu tại Trà Kiệu ngày 31tháng 5 năm 1971, Đức Giám mục P.M Phạm Ngọc Chi đã long trọng tuyên bố: Trà Kiệu là Trung Tâm Thánh Mẫu của Giáo Phận Đà Nẵng. Và theo thông lệ thì 3 năm một lần, Giáo Phận sẽ tổ chức ngày “Đại Hội Đức Mẹ Trà Kiệu” vào ngày 31 tháng 5.[8]

 Tuy nhiên trước đó Trà Kiệu đã là Trung Tâm Thánh Mẫu của giáo phận Quy Nhơn và vào năm 1959 đã có tổ chức trọng thể Đại Hội Thánh Mẫu tại đây.

Trên đất Mẹ Trà Kiệu, từ biến cố Ất Dậu (1885), ơn Mẹ không ngừng tuân đổ trên con cái Mẹ. Vì Mẹ là Đấng Phù Hộ Các Giáo Hữu.

B. SỨ ĐIỆP TRÀ KIỆU

Ngày 11 tháng 9 năm 1885, Ðức Mẹ đã hiện ra đứng trên nóc nhà thờ Trà Kiệu để bảo vệ và che chở cho giáo dân trước những đợt tấn công vũ bão của quân Văn Thân. Và qua sự bầu cử lạ lùng của Đức Mẹ cùng với biến cố Mậu Thân 1968, đồng nghĩa với danh hiệu mà chúng ta có thể dâng tặng Mẹ là, Đức Mẹ Chiến Thắng Trà Kiệu.

Tại La Vang, Đức Mẹ đã hiện ra khuyên nhủ con cái của mình, và họ được diễm phúc nhìn thấy cũng như nghe những lời khuyên nhủ của Đức Mẹ. Nhưng những kẻ bắt bớ, thù ghét đạo Chúa thì không được nhìn và nghe Mẹ nói. Trong biến cố Trà Kiệu, ngược lại, những kẻ muốn uy hiếp, thôn tính và bắt bớ giáo dân Trà Kiệu lại thấy Đức Mẹ, còn giáo dân Trà Kiệu thì lại không thấy. Đức Mẹ đứng đó, trên nóc nhà thờ đã trở thành điểm nhắm của những cỗ đại pháo chỉ đặt cách xa khoảng 100m, nhưng đã không phá hủy được ngôi thánh đường, cũng là tổng hành dinh nơi có bộ chỉ huy của giáo dân Trà Kiệu. Qua biến cố Văn Thân cũng như biến cố Mậu Thân, chúng ta khám phá ra được điều này, đó là dù hiển linh hay không hiển linh, dù nói hay không nói, Đức Mẹ vẫn luôn đồng hành với vận mệnh Giáo Hội và con cái Việt Nam của Mẹ trong mọi biến cố của đời sống.

Đức Mẹ không chỉ là người Mẹ Phù Hộ Các Giáo Hữu như ở La Vang, mà còn là người đem lại chiến thắng cho đoàn con khi phải giao tranh với quân thù. Trà Kiệu làm khơi dậy niềm tin chiến thắng vào một ngày mai của Giáo Hội và dân tộc. Qua biến cố Trà Kiệu cho thấy, Đức Mẹ luôn luôn ở bên các con cái Mẹ trong những lúc gian nan, thử thách; những lúc mà con người tỏ ra thất vọng và bất lực.

Từ Trà Kiệu, Đức Mẹ muốn gửi đi một sứ điệp, đó là Kitô hữu Việt Nam, Giáo Hội Việt Nam, và dân tộc Việt Nam hãy vững tin vào chiến thắng sau cùng của Đức Mẹ: “Sau cùng Trái Tim Mẹ sẽ thắng!” Vì Mẹ đã chiến thắng, đã đạp dập đầu con rắn già hỏa ngục - tức là Satan - kẻ thù của con người, và bè lũ đã gây ra bao tang tóc, đau thương cho nhân loại. Ngày đó, tình thương xóa bỏ hận thù, hòa bình thay thế chiến tranh, chém giết, tù đày, công bình thay thế bất công, và tự do thay thế độc tài trên quê hương.

C. THỰC HÀNH SÙNG KÍNH

Trong kinh Lạy Nữ Vương, các Kitô hữu thường ngày vẫn dâng lên Đức Mẹ đã diễn tả sự thật về cuộc sống con người trên dương thế như một cuộc hành trình đầy gian nan, thử thách:

“Lạy Nữ Vương, Mẹ nhân lành, làm cho chúng con được sống, được vui, được cậy, thân lạy Mẹ! Chúng con, con cháu Evà ở chốn khách đầy kêu đến cùng Mẹ,

chúng con ở nơi khóc lóc than thở kêu khẩn Mẹ thương.”

Nhưng mặc dù con cái Mẹ có “khóc lóc”, có “kêu xin” hay không thì từ trên cao xanh, Đức Mẹ vẫn thấu hiểu cuộc sống trần gian này và không quên các con của Mẹ, những đứa con mà Chúa Giêsu đã trao phó cho Mẹ trước khi Ngài trút hơi thở trên thập giá.

Chiến thắng của Trà Kiệu nhắc lại cuộc chiến đẫm máu, khốc liệt giữa Đạo Binh Thánh Giá và đạo quân Hồi Giáo của hoàng đế Ottaman trên vịnh Lepanto.

Bắt đầu từ hừng đông ngày 7 tháng 10 năm 1571, khi Đạo Binh Thánh Giá giao chiến với đạo quân Hồi Giáo Thổ Nhĩ Kỳ tại vịnh Lepanto. Cuộc hải chiến rất khốc liệt, mang tính cách lịch sử, nhờ quyền năng của Đức Trinh Nữ Maria qua lời cầu Kinh Mân Côi của các Kitô hữu. Do sự can thiệp của Đức Mẹ, gió biển đã đổi chiều 180 độ, tạo điều kiện thuận lợi cho các chiến thuyền của Đạo Binh Thánh Chiến. 200 trong 270 chiến thuyền của đạo quân Ottoman đã bị đánh chìm. 15.000 binh lính đã bị giết, và ít nhất 3.500 đã bị bắt làm tù binh. Đạo Binh Thánh Giá đã toàn thắng. Để tạ ơn chiến thắng lịch sử này, chiến thắng được cho là do sự can thiệp của Đức Trinh Nữ Maria, Chúa Nhật thứ I tháng Mười năm 1571 Thánh Giáo Hoàng Piô V đã thiết lập lễ Đức Bà Chiến Thắng tại Rôma. Và do lời thỉnh nguyện của Dòng Đaminh, Đức Giáo Hoàng Gregory XIII, năm 1573 đã truyền kính trên toàn thể Giáo Hội với tước hiệu Mẹ Mân Côi để ghi ơn Đức Mẹ đã cứu Giáo Hội.[9]

Tóm lại, lịch sử cầu bầu của Đức Trinh Nữ Maria luôn được lập lại, cũng như năm 1917, Mẹ đã đến Fatima và truyền dạy những phương thế chiến thắng chủ nghĩa Cộng Sản, chấm dứt chiến tranh, đem lại hòa bình cho nhân loại.

Sứ điệp của Trà Kiệu là lời nhắn nhủ con cái Mẹ hãy biết luôn chạy đến với Người dù trong những lúc gian nan khốn khó. Vì Mẹ là Nữ Vương Chiến Thắng. Bằng cách:

- Sốt sắng, trung thành cầu nguyện.

Cầu nguyện là sức mạnh để giúp chúng ta chiến thắng. Đạo Binh Thánh Giá đã chiến thắng đạo binh Hồi Giáo Thổ Nhĩ Kỳ trong khi các giáo hữu đang cầu nguyện. Thánh Vịnh diễn tả sức mạnh của cầu nguyện:

“Khi gặp bước ngặt nghèo, họ kêu lên cùng Chúa, Ngài đưa tay kéo họ ra khỏi cảnh gian truân. Đổi phong ba thành gió thoảng nhẹ nhàng, sóng đang gầm bỗng đâu im tiếng. Họ vui sướng vì trời yên biển lặng và Chúa đưa về bờ bến mong chờ.” (Tv 107:28-30).

Thánh Phaolô đã khuyên giáo đoàn Philliphê:

“Anh em đừng lo lắng gì cả. Nhưng trong mọi hoàn cảnh, anh em cứ đem lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn, mà giải bày trước nhan Thiên Chúa những điều anh em thỉnh nguyện. Và bình an của Thiên Chúa, bình an vượt

lên trên mọi hiểu biết, sẽ giữ cho lòng trí anh em được kết hợp với Đức Kitô Giêsu.” (Phil 4:6-7)

- Kêu cầu Thánh Danh.

Như các chiến sỹ Trà Kiệu khi phải lâm trận với quân Văn Thân, mỗi khi phải đối diện với những cám dỗ, kể cả những lúc gặp các sự khốn khó, chúng ta hãy thành kính kêu tên cực trọng “Giêsu - Maria - Giuse”. Nguyên tên Giêsu mà thôi đọc lên đủ khiến cho mọi loài trên trời dưới đất và trong hỏa ngục phải bái phục: “Vì thế, Thiên Chúa đã suy tôn Người và ban tặng cho Người một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu. Để khi nghe danh thánh Giêsu, cả trên trời dưới đất và trong âm phủ, muôn vật phải qùy lạy, và mọi miệng lưỡi phải tuyên xưng rằng Đức Giêsu Kitô là Chúa, để tôn vinh Thiên Chúa Cha.” (Phil 2:9-11)

Thánh danh Giêsu - Maria - Giuse sẽ làm cho Satan và đồng bọn khiếp sợ. Chúng sẽ buông tha chúng ta, và các thiên thần từ trời cao sẽ đến nâng đỡ chúng ta, như trong biến cố Trà Kiệu, thánh danh cực trọng Ba Đấng đã đẩy lui quân thù, và sau đó là “đạo quân trẻ em” từ trời xuống tiếp ứng.

KINH ĐỨC MẸ TRÀ KIỆU

Lạy Mẹ Trà Kiệu mến yêu. Mẹ đầy ơn phước và quyền năng.

Mẹ đã hiện ra cùng với các Thiên Thần để cứu giúp tổ tiên chúng con trong cơn thử thách đức tin.

Mẹ là Mẹ Phù Hộ Các Giáo Hữu. Mẹ luôn luôn cầm Phủ Việt mà Chúa Cha đã trao cho Mẹ để bênh vực Chúa Giêsu Hài Đồng đang sợ hãi nép mình vào Mẹ trong cơn cuồng phong bách hại.

Chúng con xin Mẹ thương đến chúng con, cho mọi tín hữu biết can đảm tuyên xưng đức tin, biết cải thiện đời sống để trở thành một cộng đoàn hiệp nhất, chia sẻ và yêu thương.

Chúng con xin Mẹ thương đến những người chưa biết Chúa, để họ nhận ra Chúa là Chúa Tể Càn Khôn, hầu chúng con cùng Mẹ hát bài ca chúc tụng Chúa Ba Ngôi trên Thiên Quốc.

Lạy Mẹ Trà Kiệu mến yêu, với hết lòng tin tưởng phó thác, chúng con sấp mình cầu xin Mẹ nhận lời chúng con. Amen.

Imprimatur
Đà Nẵng, ngày 28 tháng 5 năm 2002
+ Phaolô Tịnh Nguyễn Bình Tĩnh
Giám Mục Giáo Phận Đà Nẵng

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Một giáo sư sử học, Giáo Hội Công Giáo ở Việt Nam, nhà in Chân lý Calgary-Canada, 1998.
2. Hữu Ngọc (chủ biên), Từ điển văn hoá cổ truyền Việt Nam, nxb Thế Giới, 1995.
3. Helen West (chủ biên), Insight Guides: Vietnam, Singapore, 1991.
4. Yoshiharu Tsubod, Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa, Nguyễn Đình Đầu dịch, nxb Trẻ, 1999.
5. Nguyễn Sinh Duy, Phong trào nghĩa hội Quảng Nam, nxb Đà Nẵng, 1998.
6. Lm. Nhạc sỹ Nguyên Thanh, Cựu Tuyên Úy Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến Việt Nam Cộng Hòa. 13 năm tù cải tạo. Hiện đang hưu trí tại Anaheim, California, USA.
7. Tạp chí Đất Quảng số 3 tháng 5-1998.
8. Đại hội Đức Mẹ Trà Kiệu lần thứ 8.
9. Christopher Check. Catholic Answers Magazine. The Battle that Saved the Christian West. https://trakieuquetoi.wordpress.com/2010/06/03/hello-world. www.catholic.com/magazine/.../the-battle-that-saved-the- christian-w...
Battle of Lepanto. From Wikipedia, the free encyclopedia.

Read 4229 times

Last modified on Dienstag, 09/01/2018