Nội Qui Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam Tại Đức

Chương I: DANH HIỆU – MỤC ĐÍCH – TRỤ SỞ

1. Nhằm thích ứng với nhu cầu đòi hỏi của thời đại và môi trường mới. Nay thành lập giữa những người Công giáo Việt Nam tại Đức một đoàn thể chung lấy tên là Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Đức. Tiếng Đức: Vereinigung vietnamesischer Katholiken in Deutschland.

2. Liên Đoàn Công giáo Việt Nam hoạt động hoàn toàn độc lập với mọi đoàn thể và theo đuổi những mục đích sau

a. Phát huy tinh thần sống đạo và đề cao ý thức phục vụ xã hội

b. Đoàn kết người Việt Công giáo tại Đức để tương trợ thăng tiến cũng như tạo môi trường trao đổi, học hỏi về mọi lãnh vực với nhau.

c. Góp phần vào công việc xây dựng một nước Việt Nam tự do, công bằng và nhân bản.

d. Liên lạc với mọi đoàn thể không phân biệt quốc gia, tôn giáo và chủng tộc.

3. Trụ sở của Liên Đoàn được đặt tại địa điểm Ban Chấp Hành đương nhiệm.

Chương II: CƠ CẤU CỦA LIÊN ĐOÀN CÔNG GIÁO VIỆT NAM

4. Hội viên gồm hội viên chính thức và hội viên danh dự.

a. Hội viên chính thức: những người Việt Nam Công giáo sống tại Đức.

Hội viên có bổn phận tôn trọng điều-lệ và tôn-chỉ của Liên Đoàn. Hội viên có quyền tham gia sinh hoạt của Liên Đoàn.

b. Hội viên danh dự: những người Việt Nam và Ngoại Quốc không phân biệt tôn giáo đã tích cực giúp đỡ Liên Đoàn và được Ban Chấp Hành chính thức mời gia nhập.

5. Cộng đoàn địa phương: Đơn vị của Liên Đoàn là những cộng đoàn Công giáo Việt Nam được tổ chức và hoạt động ở địa phương dưới sự hướng dẫn của các Linh Mục Tuyên Úy. Giáo dân của cộng đoàn địa phương đương nhiên là hội viên chính thức của Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Đức.

Chương III: CƠ QUAN CỦA LIÊN ĐOÀN CÔNG GIÁO VIỆT NAM

Cơ quan của Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Đức gồm có Hội Đồng Tuyên Úy, Ban Tư Vấn, Hội Đồng Đại Biểu và Ban Chấp Hành Trung Ương.

6. Hội Đồng Tuyên Úy: Gồm những Linh Mục, Tu Sĩ Việt Nam được giáo quyền trao phó nhiệm vụ hướng dẫn tinh thần cho những người công giáo tại Đức. Hội Đồng Tuyên Úy hướng dẫn mọi hoạt động tôn giáo, vấn đề Tín lý và đồng thời cố vấn Liên Đoàn về những vấn đề khác. Hội đồng Tuyên Úy, Ban Tư Vấn, hội đồng Đại Biểu và Ban Chấp hành thảo luận, quyết định trọng yếu của Liên Đoàn.

7. Ban Tư Vấn: Gồm các vị Chủ Tịch của Ban Chấp Hành Tiền Nhiệm, có nhiệm vụ cố vấn và giúp Ban Chấp Hành đương nhiệm điều hành mọi sinh hoạt của Liên Đoàn. Thành Viên bầu Ban Chấp Hành Liên Đoàn nếu vẫn còn là Đại Biểu.

8. Hội Đồng Đại Biểu: Gồm các Đại Biểu do các vị Linh Mục Tuyên Úy đề nghị. Hội Động Đại Biểu có quyền đề nghị và quyết định tất cả mọi vấn đề có liên quan đến Liên Đoàn. Phiên họp Hội Đồng Đại Biểu được Ban Chấp Hành tổ chức ít nhất mỗi năm một lần. Hội Đồng Đại Biểu kiểm soát tài chính và bầu Ban Chấp Hành Liên Đoàn. Quyết định của Hội Đồng Đại Biểu chỉ có giá trị khi quá bán tổng số hiện diện đồng ý trong buổi họp có sự hiện diện của Hội Đồng Tuyên Úy, Ban Tư Vấn và Ban Chấp Hành.

9. Ban Chấp Hành Trung Ương: Được bầu lên trong Hội Đồng Đại Biểu với quá bán tổng số phiếu của các Đại Biểu hiện diện. Nhiệm kỳ của Ban Chấp Hành là hai năm.

Ban Chấp Hành gồm: Chủ Tịch, Phó Chủ Tịch Ngoại Vụ, Phó Chủ Tịch Nội Vụ, Tổng Thư Ký và Thủ Quỹ.

Số thành viên của Ban Chấp Hành sẽ được mở rộng tùy theo nhu cầu sinh hoạt của Liên Đoàn với sự đồng ý của Hội Đồng Đại Biểu. Khi một thành viên trong Ban Chấp Hành từ chức hay vì một lý do nào đó không thể tiếp tục công việc, Ban Chấp Hành sẽ hội ý với Hội Đồng Tuyên Úy, Ban Tư Vấn để giải quyết.

Ban Chấp Hành là cơ quan chính thức đại diện Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Đức mọi mặt. Ban Chấp Hành điều hành mọi công việc của Liên Đoàn và thi hành những quyết định của Hội Đồng Đại Biểu. Ban Chấp Hành có trách nhiệm lên tiếng về vấn đề tự do Tôn Giáo và Nhân Quyền ở Việt Nam.

Chương IV: ĐẠI HỘI CÔNG GIÁO

10. Đại Hội Công Giáo được Ban Chấp Hành với sự hợp tác của Hội Đồng Tuyên Úy, Ban Tư Vấn và Hội Đồng Đại Biểu tổ chức mỗi năm một lần nhằm tạo cơ hội cho người công giáo Việt Nam tại Đức gặp gỡ, trao đổi và học hỏi về những vấn đề Tôn Giáo, Văn Hóa và Xã Hội. Nếu vì lý do nào không tổ chức Đại hội Công Giáo phải có sự biểu quyết của Hội Đồng Đại Biểu. Trong Đại Hội Công Giáo thường niên Ban Chấp Hành sẽ tường trình những sinh hoạt và thông báo chương trình của Liên Đoàn.

Chương V: QUỸ LIÊN ĐOÀN – CƠ QUAN NGÔN LUẬN

11. Quỹ Liên Đoàn do những người Công giáo Việt Nam tại Đức đóng góp và các khoản trợ cấp khác.

12. Cơ Quan Ngôn Luận chính thức của Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Đức là tờ Sự Thật.

Chương VI: SỬA ĐỔI NỘI QUI

13. Bản dự thảo sửa đổi Nội Qui phải được thông báo trước cho Ban Chấp Hành, và được biểu quyết trong phiên họp Hội Đồng Đại Biểu với tổng số 2/3 tổng số Đại Biểu hiện diện.

Chương VII: BẤT TÍN NHIỆM

14. Hội Đồng Đại Biểu có quyền biểu quyết bất tín nhiệm Thành Viên Ban Chấp hành, Thành Viên Ban Tư Vấn và Thành Viên Hội Đồng Đại Biểu với tổng Số 2/3 Đại Biểu hiện diện trong buổi họp có sự tham dự của Hội Đồng Tuyên-Úy, Ban Tư Vấn và Ban Chấp hành.

Chú ý:

Bản Nội Qui đã được thông qua Đại Hội Công Giáo Việt Nam Kỳ 12 tại Königstein các ngày 06-07-08 tháng 06 năm 1987. Bản Nội qui đã được tu chính lần thứ nhất và được biểu quyết trong phiên họp Hội Đồng Đại Biểu thường niên kỳ 6 tại Bad Brückenau ngày 16-17 tháng 10 năm 1993.

Bản Điều Lệ Bầu Cử Ban Chấp Hành Liên Đoàn

Những Sự Kiện Sắp Tới

Keine Veranstaltungen gefunden
Lên đầu trang